Kinh thành khi xưa của nước ta, cố đô Hoa Lư ngày nay đã trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch từ mọi nơi về tham quan. Thuộc phần lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư là một điểm đến mang đậm đà giá trị văn hóa lịch sử. Dù thời gian trôi đi nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên nét uy nghi, là nơi ghi dấu trang sử vàng son của dân tộc Việt Nam. Sau đây, Kemholiday sẽ giới thiệu đến du khách những thông tin về cố đô Hoa Lư, cùng theo dõi nhé!
Cố đô Hoa Lư là một điểm du lịch thu hút đông đảo khách du lịch từ mọi nơi về tham quan
1. Địa chỉ của cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư tọa lạc giữa ranh giới của huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên. Vị trí này rất gần với các điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình như: Tuyệt Tình Cốc, Chùa Bái Đính, Tràng An,…thuận tiện cho du khách tham quan, khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa cũng như lịch sử của vùng đất cố đô xưa.
Cố đô Hoa Lư rất gần với những điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình
2. Giới thiệu chung về cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư có tổng diện tích lên đến 300ha, gồm nhiều công trình kiến trúc có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, cùng với đó là cảnh sắc non nước hữu tình. Vào năm 2014, nơi đây chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa kép đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á
Cũng giống như nhiều di tích lịch sử khác ở Ninh Bình, cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của thời kỳ trước đây. Như một lời nhắc nhở đến thế hệ sau này rằng hãy trân trọng núi sông, bờ cõi mà từ xa xưa về trước ông cha ta đã dày công xây dựng và gìn giữ.
Toàn cảnh cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư không chỉ là một phần quan trọng của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, mà còn là một quần thể kiến trúc độc đáo với lớp trầm tích hơn 30 nghìn năm tuổi. Nó tồn tại như một chứng nhân sống động trong quá trình hình thành đất nước Việt Nam, đồng thời trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, là nơi để hiểu rõ hơn về văn hóa và lịch sử của vùng đất này.
Cố đô Hoa Lư được chia thành ba vùng, bao gồm: vùng bảo vệ đặc biệt, vùng đệm và các di tích liên quan.
Vùng bảo vệ đặc biệt gồm nhiều khu vực khác nhau như: khu vực bên trong thành Hoa Lư, nơi tập trung những di tích lịch sử quan trọng như đền vua Lê Đại Hành, đền vua Đinh Tiên Hoàng, chùa Nhất Trụ, chùa Kim Ngân, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, đền thờ Công chúa Phất Kim, phủ Vườn Thiên, bia Câu Dền, phủ Chợ, hang Bim, sông Sào Khê và tường thành, cuối cùng là nền điện dưới lòng đất.
Vùng đệm của cố đô Hoa Lư bao gồm Quần thể danh thắng Tràng An và khu vực cảnh quan hai bên dòng Sào Khê và nhiều hang động, đình, chùa như: động Am Tiên, đình Yên Trạch, hang Muối, hang Quàn, hang Sinh Dược, hang Luồn, hang Địa linh, hang Ba Giọt, hang Nấu Rượu, chùa Bà Ngô, đền Trần, phủ Khống, phủ Động, động Liên Hoa, hang Bói, ...
Cuối cùng là các di tích liên quan đóng vai trò quan trọng ghi dấu lịch sử của thời nhà Đinh như đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và các di tích thờ những vị vua triều nhà Đinh, cổng Nam, chùa Bái Đính cổ, động Hoa Lư, động Thiên Tôn, cổng Động.
3. Lịch sử 42 năm ở cố đô Hoa Lư
Quay trở lại những dòng lịch sử, cố đô Hoa Lư từng là kinh đô đầu tiên của nước ta và tồn tại 42 năm. Là nhân chứng chứng kiến hành trình dựng nước và giữ nước oai hùng của các triều đại như: triều nhà Đinh kéo dài 12 năm (968 – 980), triều Tiền Lê kéo dài 29 năm (980 – 1009) và cuối cùng là triều nhà Lý (1009 – 1010).
Cố đô Hoa Lư từng là kinh đô đầu tiên của nước ta và tồn tại 42 năm
Với địa hình đồi núi bao quanh vành đai được ví như tấm lá chắn vững chãi cùng với dòng sông Hoàng Long chạy quanh co uốn lượn, cánh đồng xanh mướt Nho Quan, bên Gia Viễn có hào nước sâu. Những điều kiện trên đã giúp Hoa Lư được chọn là nơi có vị thế thuận lợi về mặt quân sự. Một sự kiện quan trọng để mở ra một kinh đô phồn thịnh đó chính là vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân. Sau đó, ông lên ngôi hoàng đế và lập ra nhà nước Đại Cồ Việt.
Tuy nhiên, vào thời vua Lý Thái Tổ, ông đã đưa ra một quyết định quan trọng là rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Khi ông nhận ra rằng kinh đô Hoa Lư chật hẹp, khó để phát triển vươn lên và không phù hợp với vị thế đất nước vào thời điểm đó. Do đó, ông đã chọn Thăng Long làm nơi mới để xây dựng đô thành, khởi đầu cho một thời kỳ mới trong lịch sử của Việt Nam. Quyết định này không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược quân sự mà còn mở ra một thời kỳ mới về văn hóa và chính trị.
Ngày nay vẫn còn những dấu tích về kinh thành xưa
Quyết định lịch sử của vua Lý Thái Tổ đã khép lại một vùng đất từng là cố đô, chuyển mình sang một sự đổi mới của đất nước. Mặc dù Thăng Long đã trở thành trung tâm chính trị mới, nhưng hệ thống triều đình và cơ sở vật chất của Thăng Long lúc bấy giờ vẫn giống như kinh đô Hoa Lư.
4. Thời điểm thích hợp nhất để đến thăm quan cố đô Hoa Lư
Với mọi thời gian trong năm, cố đô Hoa Lư đều đẹp và chào đón du khách thâp phương đến tham quan vãn cảnh. Do đó, nếu muốn đi đến đây du lịch, du khách có thể đến vào bất cứ ngày nào. Tuy nhiên, vẫn có khoảng thời gian mà nơi đây trở nên sôi động hơn đó chính là vào những dịp lễ hội được diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm.
Cố đô Hoa Lư vào mùa lễ hội không khí tưng bừng, náo nhiệt hơn
Nếu du khách không thích sự ồn ào thì tháng 5 sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất để đến với cố đô Hoa Lư. Lúc này, những cánh đồng lúa đã nở rộ, chín vàng tỏa hương thơm khắp một vùng. Du khách có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch khác như Tam Cốc - Bích Động và hang Múa, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách tại mảnh đất Ninh Bình.
Vẻ đẹp yên bình của cố đô xưa
5. Những điểm đến đặc biệt tại cố đô Hoa Lư
5.1. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc tại một vị trí cực kỳ lý tưởng, với núi Mã Yên phía trước, nơi mộ vua Đinh Tiên Hoàng được đặt, tạo ra một khung cảnh hùng vĩ của non sông. Ngôi đền được khởi công xây dựng từ thời nhà Lý mô phỏng hình dáng kiến trúc kinh đô xưa, theo kiểu "nội công, ngoại quốc", và sau đó được sửa chữa lại dưới thời Hậu Lê.
Đền vua Đinh Tiên Hoàng được người dân gìn giữ rất kỹ
Là một trong những công trình nổi tiếng của nước ta và được gìn giữ rất kỹ, dù được xây dựng từ thế kỷ 17 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng đến ngày nay ngôi đền vẫn giữ được nguyên vẹn các công trình như: ngọ môn quan, nghi môn ngoại, nghi môn nội, núi giả, hồ sen, vườn hoa, cùng ba tòa bái đường, Thiên Hương và hậu cung. Trong quần thể này, hậu cung là nơi đặt tượng vua Đinh cùng các con trai, tạo nên một không gian linh thiêng và trang nghiêm. Ngày nay, trong đền vẫn giữ được những cổ vật quý báu như đôi voi chầu và cặp bảo vật long sàng đá (sập đá) được đặt ở vị trí Sân rồng, long sàng được tạo hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối với những đường nét chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự tôn trọng và tình cảm của dân tộc đối với vị vua hiền lành và tài năng này.
Cặp bảo vật long sàng đá (sập đá) được đặt ở vị trí Sân rồng
5.2. Đền vua Lê
Cách đền vua Đinh khoảng 500m là đền thờ vua Lê Đại Hành, nhìn tổng thể thì diện tích của đền vua Lê nhỏ hơn đền vua Đinh. Ngôi đền này gồm ba tòa, trong đó có Bái Đường và Thiên Hương dành để thờ Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi vua. Khu vực chính của đền là nơi thờ vua Lê Đại Hành, bên trái là nơi thờ người con trai của ông - Lê Ngọa Triều, bên phải là nơi thờ hoàng hậu Dương Vân Nga. Quảng trường trung tâm Cố đô Hoa Lư nằm phía trước đền.
Đền thờ vua Lê Đại Hành tại cố đô Hoa Lư
Ngày nay, đền vua Lê vẫn giữ được những dấu tích kiến trúc cổ với mảng chạm trổ và điêu khắc công phu, cũng như các dấu tích của nền cung điện cũ với những món đồ gốm sứ cổ. Các hiện vật quý này được lưu trữ và trưng bày tại phòng bảo tàng nằm ở phía trái của đền, tạo nên một không gian trải nghiệm lịch sử độc đáo cho du khách muốn khám phá về thời kỳ này của Việt Nam.
5.3. Đền thờ Công chúa Phất Kim
Đền thờ Công chúa Phất Kim có vị trí gần đền thờ vua Lê Đại Hành. Ngôi đền này được xây dựng để suy tôn vinh Công chúa Phất Kim, con gái của vua Đinh Tiên Hoàng, một người phụ nữ hiền lành, đã phải đối mặt với nhiều sóng gió và biến cố trong thế kỷ X.
Đền thờ Công chúa Phất Kim - con gái của vua Đinh Tiên Hoàng
6. Những lễ hội được tổ chức tại Hoa Lư
6.1. Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương
Lễ hội được diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, là một dịp lễ quan trọng trong tín ngưỡng dân gian, dành để thờ tụng thần Quý Minh - hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Lễ hội nổi tiếng này mang đến trải nghiệm đặc sắc cho du khách, đặc biệt là trong lễ rước nước, tế lễ và lễ phóng sinh trên sông. Hàng nghìn chiếc thuyền đa dạng đầy màu sắc hội tụ để tham gia hành trình vượt qua hơn 5km, xuyên qua 11 hang động trên sông Sào Khê. Sau đó, số thuyền được chia làm đôi: Một nửa tiến về bến đón khách, trong khi nửa còn lại tiếp tục hành trình hơn 3km để đến đền Nội Lâm, nơi diễn ra các nghi thức tế lễ trang trọng và linh thiêng. Đây là cơ hội hiếm hoi để du khách khám phá không chỉ về tín ngưỡng và lịch sử mà còn về vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa độc đáo của khu vực.
Khung cảnh buổi lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương
6.2. Lễ hội Đền Thái Vi
Ngày diễn ra lễ hội từ 14 đến 17 tháng 3 âm lịch hàng năm, là sự kiện quan trọng để tưởng nhớ và tôn vinh các vị vua nhà Trần, những người có công trạng lớn lao trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lễ hội thu hút sự tham gia của hơn 30 đoàn người từ các xã ở Hoa Lư, Ninh Bình.
Một nghi thức trong lễ hội đền Thái Vi
Một điểm đặc sắc và thu hút trong lễ hội chính là lễ rước kiệu và nghi thức tế lễ thiêng liêng được tổ chức trước đền Thái Vi. Ngoài ra, nơi đây còn tổ chức các trò chơi dân gian đa dạng như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, bơi thuyền,...
6.3. Lễ hội Trường Yên
Lễ hội Trường Yên, diễn ra từ ngày mùng 10 đến 13 tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp để tưởng nhớ hai vị hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, hai vị đã góp công lớn trong việc sáng lập và phát triển đất nước Đại Cồ Việt ngày trước.
Lễ hội Trường Yên được chia thành hai phần chính. Phần đầu tiên là lễ rước nước, diễn ra tại bến Trường Yên bên sông Hoàng Long, ngay trước đền thờ vua Đinh và vua Lê. Phần thứ hai là phần Hội, trong đó có các trò chơi truyền thống như Cờ lau tập trận, cuộc thi viết chữ nho, cờ tướng, cuộc thi người đẹp văn hóa Hoa Lư, và nhiều sự kiện khác.
Người dân trong làng đang thực hiện nghi thức của buổi lễ
Trên đây, Kemholiday đã giới thiệu đến du khách những thông tin về cố đô Hoa Lư – kinh đô vàng son thời xưa của nước nhà. Mong rằng, những thông tin trên sẽ giúp du khách hiểu hơn về địa điểm du lịch này. Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và ý nghĩa.